CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐÃ THAY ĐỔI MỌI THỨ NHƯ THẾ NÀO?

Đăng lúc: 22:21:49 30/11/2023 (GMT+7)

 

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐÃ THAY ĐỔI MỌI THỨ NHƯ THẾ NÀO?

 

Tham gia vào môi trường số có nghĩa là mỗi người dân sẽ có cả danh tính trong thế giới thực và trong thế giới số. Mỗi người sẽ cùng lúc sống trong hai thế giới, thế giới thực và thế giới số, cùng hiện diện và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, từ đó thay đổi cách thức sống, giao tiếp và làm việc. Lối sống đã thay đổi như thế nào? Các thiết bị, màn hình và những máy móc khác nhau ở xung quanh chúng ta đã thay đổi lối sống của chúng ta. Mỗi người dân có nhiều hơn các lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của mình. Cắt tóc công nghệ Có thể gói gọn mỗi lần đi cắt tóc của cánh đàn ông “điển hình” ở Việt Nam bằng một vài từ: Vào một cửa tiệm bất kỳ (gần nhà hoặc công ty), chờ đến lượt, yêu cầu người thợ “cắt cho một kiểu đẹp” và đi về. Tưởng rằng việc chuyển đổi số là xa vời với công việc quá đỗi bình thường này. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi ứng dụng 30Shine xuất hiện, những người đàn ông gọi 30Shine là “cắt tóc công nghệ”, giống như người Việt Nam gọi Grab, Uber là taxi công nghệ. Họ có thể chọn cửa hàng, đặt lịch cắt tóc, chọn stylish thường xuyên cắt tóc cho mình thông qua một ứng dụng cài trên smartphone.

 Giao tiếp xã hội đã thay đổi như thế nào?

Giao tiếp xã hội có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không rào cản, không khoảng cách trên môi trường số. Những người nói những ngôn ngữ khác nhau có thể giao tiếp với nhau trực tiếp nhờ một ứng dụng phiên dịch theo thời gian thực. Những người khiếm thính có thể được hỗ trợ bởi ứng dụng chuyển đổi giọng nói thành chữ viết. Những người khiếm thị có thể được hỗ trợ bởi ứng dụng chuyển đổi chữ viết thành giọng nói. Một dàn nhạc giao hưởng có thể biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của các nhạc công ở Paris hay London.

NỀN TẢNG HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN

Trước đây, các cuộc họp của cơ quan, tổ chức thường diễn ra dưới hình thức trực tiếp, thành phần giới hạn theo phân cấp về mô hình tổ chức. Giờ đây, chuyển sang hình thức họp trực tuyến, không giới hạn thành phần, phân chia thứ bậc. Công nghệ số đã tạo một cuộc cách mạng đột phá làm “phẳng hóa” sơ đồ tổ chức hình cây truyền thống, xóa nhòa các giới hạn, tạo ra môi trường làm việc số không có khoảng cách. Nhiều cơ quan nhà nước cũng đã tiên phong triển khai các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi, bằng thiết bị di động với chi phí không đáng kể thay vì sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình chi phí cao như trước kia. Công nghệ số giúp giảm bớt khâu trung gian, cơ quan nhà nước chỉ đạo điều hành, hành động nhanh hơn, kịp thời hơn. Người Việt Nam có khả năng giải quyết tốt nhất bài toán Việt Nam. Điều đó là do chúng ta có văn hóa riêng, có thói quen riêng và có “nỗi đau” riêng mà không ai hiểu bằng chính chúng ta. Và trong thời đại số này, người Việt Nam tiếp tục nỗ lực để giải quyết bài toán của mình. Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới là một ví dụ. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã triển khai nghiên cứu, phát triển và đưa vào phục vụ thị trường các nền tảng như: Zavi của Zalo, eMeeting của AIC, NetMeeting của NetNam. Nền tảng của Việt Nam phục vụ người Việt Nam sẽ nhanh hơn, tốt hơn, vì chỉ sử dụng băng thông kết nối trong nước. Nền tảng của Việt Nam được tùy biến để tăng cường an toàn, bảo mật. Cơ quan, tổ chức có thể linh hoạt triển khai trên hạ tầng của chính mình và tự mình kiểm soát, không sợ bị lộ, lọt thông tin cho bên thứ ba mà mình không kiểm soát được. Cơ quan, tổ chức có thể chủ động phát triển hoặc thuê phát triển tiếp, “may đo” phục vụ nhu cầu của riêng mình. Đây là những điểm mà các nền tảng phổ biến trên thế giới sẽ không bao giờ phục vụ, sẽ không bao giờ “may đo” chỉ để phục vụ thị trường Việt Nam.

 Y tế đã thay đổi như thế nào?

Việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa, qua điện thoại thông minh chỉ là bước khởi đầu. Công nghệ số cho phép phân tích, giải mã bản đồ gene để từ đó cung cấp thuốc men và dịch vụ y tế được cá thể hóa cho mỗi người dân. Các cảm biến IoT nhỏ li ti có thể được đặt bên trong cơ thể cho phép theo dõi diễn biến sức khỏe, ghi nhận từng thay đổi nhỏ nhất một cách tức thời. Các robot tự hành bằng công nghệ nano có thể chu du trong mạch máu để dọn dẹp sạch mỡ máu. Người dân có thể chưa trực tiếp tự chữa bệnh cho mình, nhưng họ có thể cảm nhận được mọi sự thay đổi và khi có chuyện xảy ra thì bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nhanh nhất. Chưa cần nói đến những ứng dụng cao cấp, nếu có tư duy, quyết tâm chuyển đổi số, nhiều ứng dụng công nghệ số mặc dù nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phần mềm quản lý dữ liệu lấy mẫu xét nghiệm Trong đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở Bắc Ninh vừa qua, bác sĩ Dưỡng và đồng nghiệp đã làm việc kiệt sức để truy vết, lấy mẫu, sàng lọc ca bệnh nghi ngờ, nhưng số mẫu vẫn tồn đọng, việc xét nghiệm và công bố kết quả chưa kịp thời do số mẫu tăng theo cấp số nhân. Bằng kiến thức tự học, bác sĩ Dưỡng quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ chuyên môn của mình, sáng tạo ra một phần mềm để giúp các nhân viên y tế nhập dữ liệu theo đúng tiêu chuẩn yêu cầu. Phần mềm giúp ghi nhớ, quản lý các thông tin quan trọng, chính xác như tên, tuổi của người được lấy mẫu; giúp nhập dữ liệu nhanh, tạo mã gộp và giải quyết sai sót khi tạo mã số bệnh nhân. Bác sĩ Dưỡng chỉ mất 18 giờ để tạo ra phần mềm, mang lại hiệu quả cho công tác phòng chống COVID-19 tại địa bàn.

NỀN TẢNG HỖ TRỢ TƯ VẤN SỨC KHỎE TRỰC TUYẾN

Ước mơ “mỗi người dân Việt Nam sẽ có một bác sĩ” nghe có vẻ xa vời, phi thực tế. Nhưng với các nền tảng tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa thì ước mơ trên sẽ sớm thành hiện thực. VOV Bacsi24 là nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe, kết nối người dân với bác sĩ, được phát triển bởi Kênh phát thanh sức khỏe VOV FM 89 thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; Viettel Telehealth là nền tảng tư vấn khám chữa bệnh, tận dụng lợi thế về công nghệ kết nối để triển khai đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa... Những nền tảng này đã kết nối hàng trăm nghìn bác sĩ trong và ngoài nước tham gia tư vấn, khám và chữa bệnh trực tuyến cho bệnh nhân; giúp người bệnh không còn phải đến bệnh viện thường xuyên, bác sỹ có thể điều trị cho người bệnh một cách hiệu quả qua màn hình máy tính từ nhà, dựa trên dữ liệu y tế được kết nối và chia sẻ từ nhiều bệnh viện khác nhau; ai cũng có thể đo lường và quản lý dữ liệu sức khỏe của mình khi ở nhà để có thể biết cách phòng, chống bệnh tốt hơn; giúp phân loại bệnh và hỗ trợ cách chăm sóc tại nhà mà không làm tăng nguy cơ lây truyền; giảm áp lực cho việc chăm sóc nội trú, giúp giảm lây truyền vi-rút bằng cách giảm tiếp xúc. Tăng tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc ban đầu và tạo ra một cơ chế “gác cổng” ở địa phương; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận từ lâu hoạt động như một hệ thống sàng lọc đối với các dịch vụ của bệnh viện; giúp các bệnh viện tuyến cuối cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trực tuyến mà không cần thông qua các cơ sở chăm sóc ban đầu; giảm tải số lượng người đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên. Ứng dụng này đặc biệt có ý nghĩa khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế ở các vùng sâu vùng xa và góp phần cải thiện thuận tiện cho người bệnh nhất là người bệnh bị giảm khả năng vận động hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần; tiết kiệm chi phí so với chăm sóc thông thường, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính và những người sống ở vùng sâu vùng xa và thực tế cho thấy vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả và cải thiện sự hài lòng của người bệnh.

Giáo dục đã thay đổi như thế nào?

Trẻ em vẫn sẽ phải đến trường, phải giao tiếp và được các giáo viên hướng dẫn, nhưng nhiều thứ sẽ thay đổi hoặc đảo ngược lại. Nếu như trước đây 100% kiến thức được truyền thụ ở trên lớp thì hiện nay tỷ lệ kiến thức được truyền thụ trực tuyến sẽ tăng dần lên. Thậm chí, trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 100% là học trực tuyến. Nếu như trước đây lên lớp là để giảng bài, ở nhà là để tự làm bài tập, thì hiện nay đảo ngược lại, học sinh có thể ở nhà nghe giảng bài trực tuyến, nhưng lên lớp để làm bài tập và giải quyết các vấn đề đặt ra theo các nhóm. Nếu như trước đây giáo dục là trải nghiệm mang tính đại trà, thì hiện nay, giáo dục lại là trải nghiệm mang tính cá thể hóa. Phương pháp và tài liệu giáo dục linh động hơn, cho phép thay đổi để thích nghi với cách học và tốc độ tiếp thu kiến thức của từng học sinh chứ không theo như cách cũ trước đó là buộc học sinh phải thay đổi để tuân theo phương pháp giảng dạy trong lớp. Thầy cô giáo có thể trở thành trợ giảng, thông qua việc sử dụng nền tảng, tư liệu, học liệu tốt nhất được chia sẻ sẵn sàng.

NỀN TẢNG QUẢN LÝ DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN

Từ góc nhìn chuyển đổi số, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, khác hoàn toàn các lĩnh vực khác. Nếu chuyển đổi số một lĩnh vực kinh tế là thay đổi diện mạo, cách vận hành, cách tạo ra giá trị mới của riêng lĩnh vực đó, thì chuyển đổi số giáo dục chính là cách chúng ta thay đổi tương lai của cả quốc gia. Vì thế, cũng sẽ là không quá nếu nói chuyển đổi số nền giáo dục sẽ quyết định sự thành bại của chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số và công nghệ số trong giáo dục có thể tạo ra rất nhiều thay đổi mạnh mẽ về phương thức giảng dạy, phương thức tiếp nhận kiến thức, thậm chí có thể thay thế cả việc giảng dạy của giáo viên. Nhưng, công nghệ sẽ không bao giờ thay thế được giáo viên ở sứ mệnh truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu cho người học và càng không thể thay thế được những người làm giáo dục ở khả năng tạo ra tri thức. Công nghệ dù có phát triển đến đâu cũng không thể tự tạo ra tri thức mới, mà chỉ có thể hỗ trợ con người làm điều đó và biến tri thức thành những giá trị hữu hình cho cuộc sống. Thiên chức của giáo viên trong kỷ nguyên số vì thế cũng sẽ không còn chỉ là truyền đạt tri thức như trước nữa, mà giờ đây, quan trọng hơn là truyền đạt cảm hứng học tập cho người học, để dù được học tập theo phương pháp nào, bằng công nghệ nào, người học vẫn sẽ nuôi dưỡng được niềm đam mê học tập, đam mê tìm tòi những điều mới, dù là trên trang sách hay ở ngoài cuộc sống. Tương tự, vai trò nghiên cứu, tìm tòi tri thức mới cũng sẽ trở thành sứ mệnh quan trọng hơn đối với giáo viên. Và đó cũng sẽ chính là đặc điểm phân biệt rõ nhất giữa những người làm giáo dục với những cỗ máy hay công nghệ giáo dục .

Việc làm đã thay đổi như thế nào?

Chuyển đổi số sẽ làm một số nghề biến mất hoặc xuất hiện. Dự đoán đúng là không dễ, vì mọi thứ đều đang thay đổi, nhiều ngành nghề mới vào lúc này con người vẫn chưa biết là gì. Trong tương lai gần, những công việc được tự động hóa nhiều sẽ là những việc không đòi hỏi kỹ năng xã hội và sự sáng tạo. Một số ví dụ về những nghề nghiệp có khả năng tự động hóa cao gồm: Nhân viên tiếp thị từ xa, Nhân viên thư viện, Người định giá bảo hiểm, Trọng tài thể thao, Nhân viên chuyển phát nhanh. Một số ví dụ về những nghề nghiệp ít bị ảnh hưởng gồm: Chuyên gia trị liệu, Biên đạo múa, Bác sĩ phẫu thuật, Nhà tâm lý, Nhà nhân chủng và khảo cổ học, Kiến trúc sư, Giám đốc điều hành kinh doanh. Chuyển đổi số có gây ra thất nghiệp không? Lo lắng về mất việc đều đã xảy ra khi xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhưng cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đều đã không gây ra thất nghiệp, mà ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp có xu thế giảm đi. Thất nghiệp tăng chủ yếu là do suy thoái kinh tế. Các cuộc cách mạng công nghiệp mới làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới. Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động. Nhưng chuyển đổi số lại có thể hỗ trợ tích cực cho đào tạo lại, cũng như tạo ra các công cụ, nền tảng để các nghề mới dễ học, dễ làm hơn. Chuyển đổi số sinh ra các trường đại học số, sinh ra các nền tảng đào tạo từ xa giúp cho việc đào tạo dễ dàng hơn, có thể học bất kỳ lúc nào, thực hành bất kỳ lúc nào, thi, kiểm tra bất kỳ lúc nào, thông qua vật bất ly thân của chúng ta là điện thoại di động hay máy tính bảng. Ví dụ, một nghề mới là nghề dán nhãn để dạy cho máy học nhận dạng khuôn mặt. Có hàng tỷ tấm ảnh được đưa cho người lao động để họ phân biệt và dán nhãn nam nữ, già trẻ, béo gầy, người thành phố hay nông thôn. Nghề này ở quê vẫn làm được qua mạng, đào tạo thì chỉ cần thông qua hướng dẫn trên mạng. Người ở quê không phải lên thành phố làm công nhân lắp ráp, may mặc mà vẫn ở quê làm nghề dán nhãn, chỉ cần có cái điện thoại, máy tính bảng hay máy vi tính và kết nối mạng. Đây là một ví dụ về nghề mới./.

 

Nguồn: Cẩm nang chuyển đổi số Bộ Thông tin và truyền thông

 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
351554